DI TÍCH - DANH THẮNG DI TÍCH - DANH THẮNG

Di tích lịch sử - văn hóa Đình thôn Hạ
Publish date 07/11/2022 | 10:45  | Lượt xem: 1283

GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ DI TÍCH

Đình thôn Hạ hiện tọa lạc trên khu đất cao rộng ở giữa làng thuộc địa phận xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội.

          Dưới thời Lê và đầu thời Nguyễn, khu vực này thuộc địa phận xã Hạ Trì, tổng Hạ Trì, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây.

          Đến năm Minh Mệnh thứ 12 (831) xã Hạ Trì thuộc huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.

          Năm 1904-1945 xã Hạ Trì thuộc tổng Hạ Trì, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông.

          Năm 1948, xã Hạ Trì sát nhập thêm một số thôn của các xã lân cận thành xã Liên Trì huyện Hoài Đức.

          Năm 1956, xã Liên Trì tách làm 3 xã là Liên Trung, Liên Hà, Liên Hồng. Thôn Hạ là một trong 2 thôn của xã Liên Trung.

Đình thôn Hạ hiện nằm ở phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội và cách trung tâm thành phố khoảng 24km. Muốn đi tới di tích du khách có thể đi theo trục đường sau:

          Từ trung tâm hồ Hoàn Kiếm đi về phía Tây qua các phố Tràng Thi, Nguyễn Thái Học, Kim Mã tới Cầu Giấy đi thẳng theo quốc lộ 32 (Hà Nội- Sơn Tây) qua Mai Dịch, Cầu Diễn tới ngã tư Nhổn thì rẽ phải đi qua địa phận xã Tây Tựu (Từ Liêm) tới bờ đê sông Hồng thì rẽ trái theo đường đê qua địa phận Thượng Cát, qua khu chợ Kẻ đi tiếp tới ngã ba rẽ trái theo đê quai đi khoảng 1km thì rẽ phải vào thôn Hạ, đình nằm ở giữa làng. Có thể dùng mọi phương tiện đi đến di tích đều rất thuận tiện.

 LỊCH SỬ THỜ TỰ

Đình thôn Hạ nằm trên một vùng đất cổ. Xa xưa nơi đây là vùng rừng rậm đầm lầy. Dòng sông Hồng hoang dã cuồn cuộn đã tạo lên những bãi bồi rộng lớn và đầm lầy hoang vu. Trải qua bao đời khai phá ông cha ta đã chặt rừng lấp trũng đắp đê ngăn nước cải tạo đất đai xây dựng thành xóm trại. Trại Hạ là một trong ba trại cổ sau phát triển thành thôn Hạ.

          Các nhà khảo cổ học qua nghiên cứu khai quật một số địa điểm trong vùng đã phát hiện một số hiện vật có niên đại cách ngày nay 3500 - 4000 năm. Trên cơ sở đó các nhà khảo cổ học đã chứng minh vùng này là địa bàn cư trú của người Việt cổ từ hàng ngàn năm nay.

          Vào đầu công nguyên, khu vực này là địa bàn hoạt động của tướng quân Sa Lãng- một nữ tướng tài giỏi có nhiều đóng góp cho cuộc khỏi nghĩa chống quân đô hộ nhà Hán của Hai Bà Trưng.

          Cùng với thời gian, vùng đất này ngày một mở rộng và trù phú, cư dân ngày thêm đông đúc. Cùng với sự phát triển của làng xã, nhu cầu sinh hoạt tôn giáo đã thúc đẩy việc Phật giáo du nhập tới. Ngôi chùa làng ra đời là nơi sinh hoạt tôn giáo, nơi cầu nguyện cho cuộc sống thanh bình ấm no hạnh phúc. Với giáo lý từ bi báo ái phủ độ cứu khổ đạo Phật đã đi vào đời sống tinh thần của người dân ở đây. Ngày càng phát triển và tồn tại đến ngày nay với ngôi chùa quy mô bề thế và khang trang sạch đẹp.

          Bên cạnh ngôi chùa làng, khi tín ngưỡng thờ thần, thành hoàng phát triển thì đình thôn Hạ cũng ra đời nhằm thỏa mãn nhu cầu văn hóa của làng xã, nơi thờ thần thành hoàng làng và nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng cư dân.

          Theo truyền thuyết dân gian địa phương và căn cứ những ghi chép trong cuốn thần phả của đình thì thần Thành hoàng là Côn Lang đại vương. Sự tích tóm tắt như sau:

          Côn Lang là con trai của ông Hùng Trác và bà Hà Họa, người vùng Sơn Tây. Côn Lang sinh vào ngày mồng 2 tháng 2 Âm lịch đời Hùng Vương thứ 17. Lớn lên Côn Lang có lòng đức độ, khí phách anh hùng. Khi đi học ông nổi tiếng thông minh, học được 3 năm đã tinh thông kinh sử võ nghệ tài giỏi và có sức khỏe hơn người. Khi Hùng Vương tổ chức thi chọn nhân tài cho đất nước, Côn Lang ứng thi và trúng tuyển được nhà vua cất cứ làm quan trông coi vùng sông nước. Sau Côn Lang được cử về vùng Hạ Trì trị thủy. Ông tổ chức nhân dân đắp đê ngăn nước cải tạo đồng ruộng cày cấy sinh sống. Từ đó dân làng thoát khỏi cảnh sống nghèo khổ. Thấy trại Hạ phong cảnh hữu tình, dân làng chất phác ông bèn xin nhà vua cho lập doanh sở ở lại đó.

          Khi Thục Phán kéo quân xâm lược âm mưu cướp ngôi nhà Hùng, Côn Lang liền chiêu tập trai tráng trong vùng luyện tập võ nghệ rồi kéo quân đi giúp Tản Viên đánh quân nhà Thục. Côn Lang được nhà vua phong làm Tướng quân tuần phong các dòng sông cửa biển. Sau khi đánh thắng quân Thục, Côn Lang được vua ban thưởng và được hưởng thực ấp tại vùng Hạ Trì. Công Lang bèn trở về sống ở trại Hạ và ít lâu sau ông mất tại doanh sở. Sau khi Công Lang mất, để tưởng nhớ tới công lao của ông đối với dân làng, nhân dân địa phương đã lập đền thờ ông ngay trên mảnh đất ông đã dựng doanh sớ. Về sau dân làng suy tôn làm Thành hoàng làng và dựng đình để thờ Côn Lang.

GIÁ TRỊ LỊCH SỬ, VĂN HÓA, KHOA HỌC

Lịch sử vị thần được thờ làm thành hoàng vừa là người có công với làng vừa là anh hùng dân tộc thời Hùng Vương thứ 17 có một ý nghĩa giáo dục truyền thống dân tộc rất lớn lao. Di tích đình thôn Hạ rất xứng đáng giữ gìn làm nơi tưởng niệm để phát huy giá trị tinh thần truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam: Nhớ ơn người gây dựng, ý thức dân tộc, gây dựng tinh thần, yêu nước, một giá trí lớn nhất, chủ đạo xuyên suốt quá trình phát triển của dân tộc ta.

Vì ý nghĩa cao quý tốt đẹp ấy đình thôn Hạ của đất Trại Hạ thời Hùng Vương thứ 17 không những có giá trị lịch sử kiến trúc nghệ thuật cuối Nguyễn (đầu thế kỷ 20) mà còn là nơi tưởng niệm người anh hùng dân tộc Việt Nam Côn Lang vừa là anh hùng dân tộc thời Hùng Vương thứ 17 vừa là người có công lao của làng. Di tích thờ Côn Lang là đã được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích cấp Quốc gia năm 1990, là điểm đến cho mỗi nhà nghiên cứu lịch sử và cho những ai muốn tìm về lịch sử hào hùng của dân tộc từ buổi đầu dựng nước.

Hoạt động tế lễ hàng năm góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa