TIN HOẠT ĐỘNG CHÍNH QUYỀN TIN HOẠT ĐỘNG CHÍNH QUYỀN

Tuyên truyền về lợi ích của việc cấp căn cước cho công dân dưới 14 tuổi
Publish date 23/10/2024 | 17:56  | Lượt xem: 42

Lợi ích của việc cấp căn cước cho công dân dưới 14 tuổi

Luật Căn cước được Quốc hội khóa XV chính thức thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024; Luật Căn cước có rất nhiều điểm mới so với Luật Căn cước công dân 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Đáng chú ý, Luật Căn cước bổ sung thêm quy định về cấp căn cước cho công dân dưới 14 tuổi sẽ bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân nhỏ tuổi khi thực hiện các thủ tục hành chính. Căn cước sẽ lưu giữ được nhiều thông tin có giá trị về nhân thân với độ bảo mật cao góp phần phát huy giá trị công dân trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.

So với Luật Căn cước công dân năm 2014, Luật Căn cước năm 2023 bổ sung việc cấp Căn cước đối với người dưới 14 tuổi; tuy nhiên, Luật cũng quy định việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi là không bắt buộc và thực hiện theo nhu cầu của người dân (khoản 3 Điều 19) và không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi (điểm a khoản 2 Điều 23). Như vậy, theo quy định mới của Luật Căn cước thì khi trẻ em từ 06 tuổi trở lên khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước mới phải thực hiện thu nhận thông tin sinh trắc học. Việc bổ sung quy định này bảo đảm tính khả thi khi hiện nay đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của con người như đối với vân tay thì sử dụng bộ thu nhận vân tay điện tử thay thế cho sử dụng mực lăn tay, chỉ bản nên có thể thực hiện thu nhận được vân tay của người từ đủ 06 tuổi trở lên vẫn bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và yêu cầu quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định pháp luật về xuất, nhập cảnh (hiện nay vẫn đang thực hiện cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp ảnh khuôn mặt) và các quy định pháp luật khác có liên quan; đồng thời, tương thích với pháp luật của nhiều nước trên thế giới.

Mặt khác, thẻ căn cước cấp cho người dưới 14 tuổi không thay thế cho việc cấp giấy khai sinh. Ủy ban nhân dân cấp xã vẫn thực hiện cấp giấy khai sinh cho người dân theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, việc sử dụng giấy khai sinh với kích thước của tờ A4, dễ rách nát, hư hỏng, khó bảo quản và chỉ được cấp một lần trong suốt cuộc đời; giấy này chỉ có các biện pháp bảo mật, chống làm giả sơ sài, lạc hậu, dễ bị làm giả và chứa được rất ít thông tin của người dân nên sẽ gây rất nhiều khó khăn, bất tiện cho người dân. Trong khi đó, thẻ căn cước với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật, bảo an cao và còn có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân sẽ mang lại nhiều tiện ích cho người dân trong việc đi lại (như đi máy bay, tàu hỏa…), học tập, khám chữa bệnh (như không cần phải mang theo thẻ Bảo hiểm y tế, Sổ tiêm chủng…) và thực hiện các giao dịch khác trong đời sống hàng ngày nên hiệu quả về lợi ích kinh tế - xã hội đem lại khi thực hiện quy định này là rất lớn.

Mẫu thẻ căn cước cấp cho công dân từ 06 tuổi trở lên (Có ảnh ở mặt trước của thẻ căn cước)

HƯỚNG DẪN NỘP HỒ SƠ CẤP CĂN CƯỚC TRÊN CỔNG DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN

(1). Trường hợp đăng ký cấp Căn cước qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an:

Đối với công dân từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi:

Cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) thực hiện đăng ký đề nghị cấp thẻ Căn cước qua Cổng dịch vụ công Bộ Công an để đăng nhập và thực hiện theo các bước sau:

Bước1: truy cập vào đường link: http://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn. 

Bước 2: Công dân chọn “Đăng nhập” ở góc phải phía trên màn hình. 

Bước 3: Công dân chọn Đăng nhập bằng “Tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia”. 

Bước 4: Chọn đăng nhập bằng “Tài khoản Định danh điện tử cấp bởi Bộ Công an dành cho công dân”. 

Bước 5: Tại màn hình tiếp theo, công dân nhập thông tin số định danh và mật khẩu tài khoản VNeID hoặc quét mã QR Code bằng ứng dụng VNeID trên điện thoại thông minh để đăng nhập.

Bước 6: Sau khi đăng nhập thành côngcông dân chọn “Lĩnh vực cấp, quản lý Căn cước”

Bước 7: Tiếp theo, chọn cấp thẻ Căn cước cho người dưới 14 tuổi. 

Bước 8: Tại màn hình tiếp theo, công dân nhập số điện thoại của người kê khai (cha, mẹ, người đại diện hợp pháp), sau đó điền đẩy đủ thông tin của công dân cần cấp thẻ Căn cước theo yêu cầu (bao gồm: họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; số định danh cá nhân; mối quan hệ của người kê khai với người cần cấp thẻ Căn cước)

Sau khi điền đầy đủ các thông tin công dân chọn “Kiểm tra thông tin trong CSDL quốc gia về dân cư”. 

- Trường hợp trùng khớp với thông tin trên hệ thống CSDL quốc gia về dân cư, hệ thống hiển thị thông báo: “Thông tin công dân hợp lệ”. Công dân thực hiện bước tiếp theo.

- Trường hợp thông báo thông tin không hợp lệ do không trùng khớp với hệ thống CSDL quốc gia về dân cư, công dân vui lòng liên hệ Công an xã/phường/thị trấn nơi thường trú để được hướng dẫn và cập nhật đầy đủ thông tin, sau đó nộp lại hồ sơ theo các bước nêu trên.

Bước 9: Công dân chọn lý do cấp “Cấp thẻ Căn cước lần đầu”. Chọn loại hồ sơ: “Người từ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi”.

-  Công dân thực hiện chọn “Cấp huyện”, cơ quan thực hiện phía trên chọn “Công an tỉnh,...”, phía dưới chọn “Công an huyện/thị xã/ thành phố” nơi thường trú/tạm trú.

Bước 10: Tick vào ô “Tôi xin cam đoan những thông tin kê khai trên là đúng sự thật” sau đó ấn chọn “Lưu và Tiếp tục”.

Khi màn hình hiển thị Popup dưới đây công dân chọn “Đồng ý”. 

Bước 11: Công dân chọn thời gian hẹn thu nhận thông tin căn cước sau đó chọn “Nộp hồ sơ”.

Lưu ý: Công dân chủ động lựa chọn thời gian thu nhận hồ sơ cấp thẻ Căn cước tại cơ quan Công an đúng thời gian hẹn thu nhận đã đăng ký, công dân liên hệ cơ quan Công an nơi cấp Căn cước để thu nhận hồ sơ. Quá thời gian hẹn, công dân không liên hệ hồ sơ sẽ bị hủy. 

Màn hình sẽ hiện thị thông báo hồ sơ đã được tiếp nhận và tự động chuyển sang trang Quản lý hồ sơ dịch vụ công. Công dân ghi nhớ mã hồ sơ trực tuyến và theo dõi quá trình xử lý hồ sơ. 

​​​​​​​Sau khi hồ sơ được gửi thành công, hệ thống sẽ tự động chuyển đến cơ quan Công an nơi công dân đăng ký để tiếp nhận, xử lý. Đúng thời gian đã đăng ký, công dân đến trụ sở cơ quan Công an nơi đăng ký thu nhận hồ sơ, cung cấp cho cán bộ tiếp nhận mã hồ sơ sơ trực tuyến để được hướng dẫn thực hiện các bước thu thập thông tin cá nhân và thông tin sinh trắc học.

Đối với công dân từ 0 tuổi đến dưới 6 tuổi:

Cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của công dân thực hiện đăng ký cấp Căn cước có thể thực hiện qua cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh điện tử hoặc đến trực tiếp tại cơ quan công an.

Đối với công dân từ 0 đến 6 tuổi, người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 6 tuổi thông qua Cổng dịch vụ công tương tự như đối với trường hợp cấp cho công dân từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi.  

Riêng đối với công dân từ 0 đến 6 tuổi quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và sinh trắc học mà, cơ quan quản lý căn cước nơi công dân đăng ký thực hiện tiếp nhận, xử lý hồ sơ và truyền dữ liệu về Trung ương để cấp căn cước cho công dân.

(2). Trường hợp thực hiện thủ tục cấp căn cước trực tiếp tại cơ quan công an, có các bước gồm:

Đối với công dân từ đủ 6 tuổi trở lên có các bước sau: Người đại diện hợp pháp cho trẻ từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi, công dân từ đủ 14 tuổi trở lên cung cấp thông tin để làm thủ tục cấp căn cước;

Cán bộ thu nhận thực hiện khai thác thông tin của trẻ từ 6 đến dưới 14 tuổi và người đại diện, công dân từ đủ 14 tuổi trở lên trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

Cán bộ thu nhận thực hiện việc tạo lập hồ sơ cấp căn cước từ thông tin khai thác được tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Thu nhận sinh trắc: vân tay, mống mắt, ảnh khuôn mặt;

Trường hợp công dân có nhu cầu tích hợp thông tin sinh trắc học ADN thì cán bộ thu nhận thực hiện tiếp nhận theo yêu cầu tích hợp; Trường hợp công dân có nhu cầu tích hợp thêm giấy tờ (giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế...) thì cán bộ thu nhận thực hiện tiếp nhận yêu cầu tích hợp thông tin giấy tờ;

Trường hợp công dân có nhu cầu đăng ký tài khoản định danh điện tử thì cán bộ thu nhận tiếp nhận yêu cầu; Trường hợp công dân có nhu cầu thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học giọng nói thì cán bộ thu nhận thực hiện theo quy định;

Cán bộ thu nhận thực hiện in phiếu thu nhận thông tin căn cước, giấy hẹn trả kết quả. Người đại diện hợp pháp cho trẻ từ 6 đến dưới 14 tuổi, công dân từ 14 tuổi trở lên kiểm tra thông tin trên phiếu thu nhận và ký xác nhận;

Đối với công dân từ 0 tuổi đến 6 tuổiĐại diện hợp pháp cho trẻ dưới 6 tuổi cung cấp thông tin để làm thủ tục cấp căn cước; Cán bộ thu nhận thực hiện khai thác thông tin của trẻ dưới 6 tuổi trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

Cán bộ thu nhận thực hiện tạo lập hồ sơ cấp căn cước từ thông tin khai thác được từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Trường hợp công dân có nhu cầu tích hợp thêm thông tin giấy tờ (giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế...) thì cán bộ thu nhận thực hiện tiếp nhận yêu cầu tích hợp thông tin giấy tờ;

Cán bộ thu nhận thực hiện in phiếu thu nhận thông tin căn cước. Người đại diện hợp pháp cho trẻ dưới 6 tuổi kiểm tra thông tin trên phiếu thu nhận và ký xác nhận.